CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ NĂM TUẦN XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 21,20-28
Noel Quesson - Chú Giải
Bài đọc I: Kh 18,1-2.21-23. 19,1-3.9
Sụp đổ rồi, “thành Babylon vĩ đại" sụp đổ rồi… Như một chiếc cối xay lớn người ta ném xuống biển.
Các Kitô hữu tiên khởi đã đặt câu hỏi này: Đức Giêsu đã không thắng được các quyền lực xâu xa chăng? Làm sao các tín hữu của Đức Giêsu có thể chịu nổi những chuỗi dài hận thù và bạo lực? Vì sao chúng ta bị bách hại? Hội thánh sẽ tiêu ma chăng?
Vì thế Thánh Gioan ngỏ lời với những người bối rối xao xuyến. Sách khải Huyền đã được chép ra để đáp lại tình huống bi đát này.
Đây là câu trả lời:
Cuộc bắt đạo chỉ kéo dài một thời gian, vương quyền của “Con Thú" sắp đến ngày tàn, thành Babylon vĩ đại (Rôma) sẽ tiêu tan Con Điếm khét tiếng (một danh xưng khác để chỉ Kinh Thành đế quốc đang bắt bớ các Kitô hữu) đang bị xét xử...
Sau đó, tôi nghe như có tiếng hô lớn của đoàn người đông đảo ở trên trời vang lên: "Alleluia, Thiên Chúa ta thờ là Đấng cứu-độ, Đấng vinh hiển uy quyền.
Thành trì của sự dữ đã biến mất. Tức thì vang lên những lời ca ngợi . Chắc hẳn đó là những lời tung hô phụng vụ của cộng đoàn giáo dân đương thời mà Thánh Gioan đã mượn lấy. Đoàn lũ hoan hỷ hát lên “lớn tiếng”.
Đấy cũng là điều an ủi cho nhiều người NGÀY NAY, muốn duy trì đặc tính trọng thể trong các nghi thức phụng vụ thay thế cái tính cách thụ động và buồn chán của các thánh lễ ngày xưa. Nhất là giới trẻ, họ muốn biểu lộ tâm tình qua quang cảnh ngày lễ, nơi đó, tiếng hát, nhạc cụ và toàn thân kết hợp, để tỏ hiện niềm hân hoan “được cứu thoát".
Bởi vì Thiên Chúa dã xét xử Con Điếm khét tiếng từng (dùng chuyện gian dâm mà) làm cho trần gian ra hư hỏng... Và người bắt nó đền nợ máu các tôi tớ của Người.
Đối với Thánh Gioan, Rôma, thành trì chuyên thờ ngẫu tượng là biểu tượng cho mọi nền văn minh chứa đầy tội ác từ chối yêu mến Thiên Chúa. Danh từ “con điếm" cũng là một biểu tượng, tượng trưng một nhân loại nghèo hèn khốn khổ, chỉ hiến thân cho bất cứ ai, mà không tìm được hạnh phúc, thay vì phó thác cho Thiên Chúa.
Nhưng Rôma không chỉ có việc thờ ngẫu tượng và bắt đạo nó còn là nơi đầy tràn đồi phong bại tục, óc thống trị kiêu căng, bất công và đàn áp các người bé nhỏ cùng khổ, một cách vô liêm sỉ. Nhưng điều này không chỉ nhắm vào thành Rôma thời ấy, nó còn nhắm vào các nền văn minh buông thả theo cuộc sống đồi trụy.
Lạy Chúa, xin tha thứ cho nhân loại yếu hèn chúng con. Xin thương xót chúng con.
Bấy giờ, một thiên thần bảo tôi: “Ông hãy viết lời này: “Hạnh phúc thay, kẻ được mời dự tiệc cưới của Con Chiên”.
Ngày thế mạt, như trong dụ ngôn “những trinh nữ khôn ngoan và khờ dại" được diễn tả ở đây như một tiệc cưới. Toàn bộ bản văn này được trình bày dựa theo đề tài tiệc cưới: Ngày cánh chung nói được như đã hoàn tất cuộc đính hôn giữa Đức Kitô và nhân loại.
Nhưng tiệc cưới này đã khởi sự rồi.
Tôi được mời dự tiệc cưới thần linh này. “Hạnh phúc thay kẻ được mời dự tiệc cưới”. Mỗi một Thánh lễ tôi tham dự là một lời loan báo và khởi sự cho tiệc cưới đang cử hành giao ước mới và vĩnh cửu”.
Hãy cầm đèn sáng, thức dậy đi bạn, kìa Chàng Rể đến!
Và những cô đã sẵn sàng được đi theo chàng rể, vào dự tiệc cưới.
Ôi, xin Người đến, lạy Chúa Giêsu! Xin giúp chúng con tỉnh thức cho tới ngày Người xuất hiện.
Bài đọc II: Đn 6,12-18
Đaniel trong hang sư tử.
Ở đó nữa, phải chấp nhận loại "dụ ngôn”. Cảnh này thường được lấy lại trong các bài ca "negro-spirituals”. Đaniel tỏ ra như biểu tượng của sự trung thành với Thiên Chúa là Đấng thắng mọi người âm mưu chống tại Người".
Đaniel thuộc con cái Giuđa dải lưu đày, đã chẳng xem sao lề luật và chiếu chỉ vua đã quy định mỗi ngày nó đọc kinh cầu nguyện ba lần.
Người ta tố cáo ông như thế. Một người dám cầu nguyện. Kinh nguyện mà Đaniel đã đọc ba lần một ngày dĩ nhiên là “ Schéma Israel”. Đây là dấu chỉ Đức tin của ông, dấu chỉ ông thuộc về dân ưu tuyển.
Chúa Giêsu cũng sẽ đề ra một kinh chính thức, kinh “Lạy Cha", mà các Kitô hữu đầu tiên cũng đọc ba lần một ngày.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con cầu nguyện.
Đâu là sự trung thành cầu nguyện của tôi? Đâu là sự mực thước của tôi? Đôi khi người ta phê bình tập quán cầu nguyện mực thước, “Kinh Sáng”, “Kinh Chiều”. “Kinh khi dùng bữa” Thật sự những việc tốt đẹp nhất có thể trở thành hủ lậu. Nhưng điều đó không cất mất giá trị của sự việc. Cần phải gìn giữ, hay trả lại giá trị cho mọi kinh nguyện.
Hỡi Đaniel tôi tớ Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa ngươi hằng thờ lạy.
“Sự trung thành” không phải là một giá trị thịnh hành HÔM NAY! Mọi sự đổi thay, mọi sự tiến hóa.
Và dầu vậy! Tại sao không “trung thành” với chân lý, với tình yêu? chúng ta mỗi người nghĩ gì về những người “trung thành” với sự đoàn kết của họ, về những người “bất tín” với sự đoàn kết của họ, về những người “bất tín” đối với chúng ta?
Lạy Chúa, xin làm cho chúng ta nên trung tín.
Xin cho chúng con kiên trì, và tăng trưởng trong mọi mối tình của chúng con.
Thiên Chúa của Đaniel mới là Thiên Chúa hằng sống và hằng có đời đời.
Một sự trung tín vui vẻ có sức lây lan truyền thống: Nó tỏ bày Thiên Chúa, Đaniel, do thái độ cầu nguyện của ông, đã mở rộng một lỗ hổng trong lòng những người nhìn ông sống và cầu nguyện.
Cầu nguyện: dấu chỉ của Thiên Chúa.
Cầu nguyện: dấu chỉ hiện sinh, thực nghiệm về Thiên Chúa.
Cầu nguyện: hàng động Phúc-âm hoá, tỏ bày Tin Mừng. Không phải do từ ngữ hay bàn cãi, nhưng do hành động mà người ta nói tới “ Thiên Chúa”. Người ta nói, Thiên Chúa có tầm quan trọng đối với chúng ta. nhưng với điều kiện là kinh nguyện phải chân thực. Với điều kiện là nó không chỉ là “một suối lời nói, một sự bẻm mép hình thức”. Với điều kiện nó phải là “ cuộc gặp gỡ Thiên Chúa”, “đối thoại với Người”, “đối thoại với anh!”.
Nước Người không hề tan rã, và quyền bính Người tồn tại đến muôn đời. Chính Người là Đấng giải thoát và cứu-độ. Người làm những dấu lạ và những việc kỳ diệu trên trời dưới đất.
Lại cả một thần học về lịch sử.
Một “Lịch sử Thánh” diễn ra giữa lòng “lịch sử phàm tục”. Thiên Chúa hành động. Người cứu-độ ( trong hiện tại). Người giải thoát (trong lúc này).
Mọi nỗ lực kiểm điểm đời sống đều là cố gắng khiêm tốn khám phá ra “công trình mà Thiên Chúa hiện đang thực hiện” trong “một sự việc của đời sống”, trong “một biến cố”.
Lạy Chúa xin giúp chúng con đọc được và giải thoát các biến cố.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống với Chúa… cộng tác với các công việc của Chúa… kinh nguyện được quan niệm như thế không phải là trốn chạy hành động. Đây là lúc hành động tập trung ý thức hơn, cũng đè nặng trên thế giới và lịch sử. Kinh nguyện đưa chúng ta lại gần các trách vụ của chúng ta, để “làm việc với Chúa, lạy Chúa”.
BÀI TIN MỪNG: Lc 21,20-28
Phần đông các nhà chú giải nghĩ rằng, Thánh Luca đã viết Tin Mừng trong những năm tiếp sau năm 70. Do đó, những biến cố lịch sử đều chứng minh, Đức Giêsu đã nói đúng khi loan báo sự sụp đổ của Giêrusalem.
Khi anh em thấy thành Giêrusalem bị các đạo binh vây hãm…
Ở đây, Maccô và Matthêu nói: “Khi anh em thấy điều ghê tởm của sự tàn phá” (Mc 13, 14; Mt 24, 25). Chắc chắn, đó là điều mà trên thực tế Đức Giêsu đã nói, bằng cách lấy lại một lời tiên tri trong Đaniel 11,13. Luca “dịch” các cụ thể hơn.
Anh em đã biết rằng đã đến ngày thành phải hoang tàn. Bấy giờ, ai ở Miền Giuđê hãy trốn lên núi, ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác, ai vùng quê, thì chớ vào thành.
Sau một thế kỷ bị Rôma chiếm đóng, cuộc nổi dậy đã được ấp ủ, cuối cùng đã bùng lên. Khoảng năm 60. Nhóm Zêlotê ( Nhiệt thành) cố gắng lôi kéo Đức Giêsu tham dự cuộc khởi nghĩa, đã tổ chức nhiều cuộc ám sát chống lại quân đội xâm chiếm. Ngày lễ Vượt-Qua năm 66, những người Zêlotê chiếm lâu đài của Agrippa và tấn công viên khâm sai tại Syria. Toàn thể dân tộc vùng lên. Vespasien được trao trách nhiệm dẹp cuộc phản loạn. Trong ba năm, ông đã lấy lại lãnh thổ một cách có phương pháp và cộ lập Giêrusalem. Ông tập trung các lực lượng hùng hậu: Lữ đoàn V, X và XV. Rồi hoàng đế để cho người con trai trẻ trung, của ông là tướng Titô lo việc kết thúc chiến tranh. Việc vây hãm Giêrusalem, pháo đài nổi tiếng là không thể nào chiếm được, kéo dài một năm, với bảy mươi ngàn bộ binh và mươi ngàn kỵ binh. Ngày 17 tháng 7 năm 70, lần đầu tiên từ cuộc lưu đày chấm dứt các nghi lễ tiến dâng trong Đền thờ. Kể từ đó, nghi lễ không bao giờ được lặp lại.
Sử gia người Do Thái Flavius Jósephus nói: một triệu một trăm ngàn người bị giết trong cuộc chiến này, chín mươi bảy ngàn tù binh bị dẫn đi lưu đày.
Khốn thay những người mang thai và những người cho con bú mớm trong những ngày đó. Vì sẽ có cơn khốn khổ gian nan trên đất này. Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các nước, và Giêrusalem sẽ bị dân ngoại giày xéo…
Đức Giêsu, khi báo trước tai họa khủng khiếp cho toàn thể quốc gia dân tộc mình, Người không có vẻ gì là một người cuồng tín kêu gọi trả thù báo oán. Những lời Người dùng là những lời diễn tả đau khổ. Thật là xúc động khi nghe người khóc thương những người mẹ, xấu số của dân tộc này, cũng chính là dân tộc của Người.
Giêrusalem sẽ bị dân ngoại giày xéo cho đến khi mãn thời của dân ngoại
Hình như Đức Giêsu loan báo một thời gian sẽ dâng cho việc Tin Mừng hóa các Dân ngoại. Vào thời điểm đó, có thể ít–ra-en sẽ trở lại với Đức Kitô, Đấng đã bị họ từ chối. Đó là lời cầu nguyện và niềm hy vọng của Thánh Phaolô (Rm 11 25-27), được Thánh Luca chia sẻ (Lc 13,35). Tôi có chia sẻ niềm hy vọng này không?
Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh tượng biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn siêu phách lạc, chớ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các tinh tú bầu trời sẽ bị lay chuyển.
Đây là ngôn ngữ truyền thống thuộc loại Khải Huyền. Theo quan niệm thời đó, ba khoảng không gian lớn lao bị rung chuyển: Trời , đất và biển... sự hỗn độn xảy ra trong vũ trụ.
(So sánh với Isaia 13,9-10; 34,3-4, cũng sử dụng cùng kiểu nói hình ảnh đề cập tới sự sụp đổ của Babylon.
Bấy giờ, thiên hạ sẽ thấy Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến.
Có phải, vì không hiểu rõ kiểu nói Khải huyền đó, mà người ta đã bước sang một lời tiên tri khác, đề cập tới sự kiện “thế mạt” không? vài nhà chú giải nghĩ đúng thế. Một số khác nghĩ rằng Đức Giêsu tiếp tục nói đến sự đổ nát của Giêrusalem: Con Người “đến” trong nhiều biến cố lịch sử, đặc biệt trong biến cố trên, việc thờ tự của Đền thờ đã bị hủy bỏ... Tiếp theo là việc thờ tự đích thực chung quanh Thân Thể Đức Kitô, trong Giáo hội, Đền thờ mới của Thiên Chúa.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Giê-ru-sa-lem bị tàn phá.
HOÀN CẢNH :
Trong đoạn văn tương đương, thánh matthêu (24, 15-21) và Mác-cô (13,14-18) mô tả các tai biến cánh chung theo lối văn khải huyền, nhưng ở đây Lu-ca loan báo việc Giê-ru-sa-lem sụp đổ và coi biến cố này như một điềm báo về cuộc phán xét chung.
Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay thánh Lu-a ghi lại biến cố thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá như một điềm báo cuộc phán xét chung.
TÌM HIỂU:
20-21 "Khi anh em thấy thành Giê-ru -sa-lem bị các đạo binh vây hãm…":
Chúa cho biết khi thấy các đạo binh vây hãm thành, thì đó là dấu chỉ thành sắp bị tàn phá, nên phải chạy trốn để thoát nạn. Những kiểu nói trong câu 21 chỉ có ý diễn tả cần phải biết để được thoát nạn.
22. "Đó sẽ là ngày báo oán …":
Các lời đe dọa Giê-ru-sa-lem bất trung đã được ghi chép trong Thánh kinh ( Mk 3,12; Gr 7,1-15 và Ed 8-11), bây giờ được ứng nghiệm.
23. "Khốn thay những người mang thai…":
Trong hoàn cảnh chạy trốn đó, thì đáng thương cho những phụ nữ mang thai và những người nuôi con mọn, vì họ cần được săn sóc đặc biệt và cần sự yêu tĩnh và an toàn hơn.
23b-24 "Vì sẽ có cơn khốn khó cùng cực…":
Ở đây diễn tả những cảnh đau khổ: dân chúng sẽ có kẻ bị giết hại, có kẻ bị lưu đày giữa dân ngoại, Giê-ru-sa-lem bị dân ngoại dầy xéo cho đến khi mãn thời của dân ngoại. Kiểu nói "mãn thời của dân ngoại" ở đây có ý nói đến:
- Một đàn dân ngoại được giảng đạo để họ theo Chúa ( Lc 24,47)
- Đàng khác, khi họ trở lại rồi, thì dân Do Thái có thể trở lại với Chúa Kitô mà trước đây cha ông họ đã chối bỏ. Đó là niềm hy vọng của Phao-lô ( Rm 11,25-27), và Lu-ca xem ra cũng chia sẻ niềm hy vọng đó nữa ( 13,35).
25-26 "Sẽ có những điềm lạ…":
Biến cố Giê-ru-sa-lem sụp đổ được trình bày như hậu quả của một thiên tai, chuyển động cả tinh tú và làm cho nhân loại xôn xao khiếp sợ. Khi mô tả như vậy, Lu-ca không nhất thiết loan báo ngày tận thế, mà chỉ muốn theo lối hành văn của thời đại bấy giờ, và trình bày biến cố đó như một giai đoạn quyết liệt trong việc thiết lập Nước Thiên Chúa ở trần gian ( việc thiết lập Hội Thánh ở trần gian làm biến đổi cả thế giới về mọi phương diện, nhất là phương diện tinh thần).
27. "Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người…":
Câu này có ý nói: từ khi Giê-ru-sa-lem sụp đổ là thời gian con Người ngự đến, hay nói cách cụ thể: thời gian Hội Thánh được khai mạc từ khi Chúa Giê-su đã sống lại. Và sự khai mạc Hội Thánh ở trần gian sẽ được kết thúc vào ngày Chúa lại đến trong ngày cánh chung.
28. "Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra…":
Tin tưởng vào ơn cứu chuộc của Chúa, các Kitô hữu là những chứng nhân trung tín của Chúa, khi gặp bất cứ biến cố nào, kể cả những biến cố bách hại hay thiên tai, không nên sợ hãi và bi quan chán nản buông xuôi, nhưng phải kiên trì trong trung tín: "đứng thẳng" và phải phấn khởi "ngẩng đầu lên" vì "anh em sắp được ơn cứu chuộc"
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
1. Bài Tin Mừng hôm nay hướng dẫn chung ta sống trung tín với Chúa trong cuộc đời trong cuộc đời trần thế để phấn khởi đón nhận tình thương cứu độ của Chúa trong ngày phán xét.
2. Câu 21.20: Phải biết nhận ra những điềm báo qua những cái đe dọa sự chết như: bệnh hoạn, tai nạn, thiên tai, chiến tranh, nhất là cái chết của người chung quanh, để cảnh giác trong việc chuẩn bị cho giờ chết của mình, bởi vì cái chết là điều nắm chắc sẽ xảy đến cho bất cứ ai.
3. Câu 21,21: Phải tránh những tai nạn đe dọa sự sống đời này thì cũng phải tránh những tội lỗi và những duyên cớ sinh ra tội lỗi để bảo vệ cho sự sống đời sau. Đó là điều Chúa đã nhắn nhủ, khuyên bảo, dạy dỗ… Trong kinh Thánh. Vì thế cần phải đọc, học và suy niệm Thánh Kinh để thực thi ý Chúa mỗi ngày.
4. Câu 21,23: Hoàn cảnh đáng thương cho những người mang thai khi chạy loạn trong chiến tranh là hình ảnh đáng thương của những người đang mang nặng tội lỗi trong giờ chết.
5. Câu 21,24: Thân phận bị làm nô lệ đau khổ của dân tộc vì kẻ thù xâm chiếm, dày xéo là thân phận của những kẻ tội lỗi đang sống trong nô lệ ma quỷ. Đó là điều cảnh giác cho cuộc đời người Kitô hữu đang sống ở trần gian.
6. Câu 21,25-27: Trong khi chịu đựng những bách hại, những thử thách, những đe dọa, người Kitô hữu phải giữ vững đức tin và trung thành với Chúa trong cuộc sống của mình, để phấn khởi đón nhận ơn Chúa đến trong hiện tại và vui mừng đón Chúa đến trong tương lai vào giờ chết để được đón nhận vào nước trời.
7. Câu 21,28: Tư thế của người Kitô hữu ở trần gian là đứng thẳng, tức là luôn trung tính với ơn nghĩa Chúa, và "ngẩng đầu lên", tức là phấn khởi vui mừng đón nhận Chúa đến trong vinh quang.